ATMT Kĩ năng Con đường đi đến một công việc trong mơ

Con đường đi đến một công việc trong mơ

Trần Minh Hải,

,

Tiếng máy dập xuống đều đều. Mùi nhựa chảy khen khét. Crooc, crooc,… Máy dừng, một người thợ bưng xô nhựa đổ vào miệng nạp liệu ở phía trên cao. Crooc, crooc…, từng cái túi nhựa trong veo rớt xuống, lật sang trái, lật sang phải. Liên tục như thế, những cái túi xếp lên nhau lần lượt, chồng túi cao dần. Một lúc sau, khi rót nguyên liệu mới, những ống nhựa trong suốt màu xanh dương nhạt, có khi màu vàng chảy xuống, mối hàn dập xuống, lưỡi cắt sắc ngọt tách chiếc túi từng cái một, phẳng phiu. Con bé đứng nhìn mê mẩn hàng giờ không muốn về nhà. Làm sao cái máy nó làm cho đám hạt nhựa đục màu kia thành màng mỏng trong suốt đẹp thế kia ? Thời gian làm một cái túi là bao lâu ? Sao cái máy cứ từ tốn, có làm nhanh được nữa không ? Công nhân phải nâng thùng nhựa lên cao, có cách nào không bắt họ giơ tay lên thế không nhỉ ?

Những câu hỏi quẩn quanh khi nó chỉ mới là đứa bé cấp 1 đứng ngắm nghía ở nhà hàng xóm ở ngay góc đường. Cho tới khi học cấp ba, nó chỉ biết là mình thích kĩ thuật. Một ý thích nhẹ nhàng thế thôi.

Con bé đó chính là tui. Tui chọn đại học bách khoa vì đúng là kĩ thuật. Vào đầu những năm 90 ngành hấp dẫn nhất là máy tính, tui nghe những người học bách khoa mô tả. Tui cảm thấy thích một cách mơ hồ vì lúc đó tui chưa có máy tính cũng chẳng được tham quan nơi nào có máy tính. Tất nhiên ngành xịn thì điểm đầu vào phải cao nhất trường. Biết mình chẳng giỏi hơn ai, thi vào ngành này nguy cơ rớt, tui cũng chẳng nghĩ tiếp hậu quả. Thời đó không có nhiều lựa chọn mà chỉ có cách chọn duy nhất một ngành ở một đợt thi. Có hai đợt thi đại học và một đợt thi cao đẳng. Cuối cùng nó chọn ngành hóa vì đơn giản nó là con gái. Trường bách khoa chỉ có mỗi khoa hóa là đông con gái nhất. Đặc trưng bách khoa thời đó là khoa hóa cũng học các môn cơ bản của các ngành khác trong trường: cơ khí, điện, điện tử,… Năm thứ hai có môn tin học nhưng lại học chay. Tui đã học thêm buổi tối ở trung tâm tin học của trường để được sờ đến máy tính. Từng bước tui đã dấn thân vào cái thứ mà người ta bảo là « hot ».

Ngành hóa có cả đống môn khó nhằn là quá trình và thiết bị mà đứa nào cũng phải trải qua. Trong bộ môn, một ông thầy mới chân ướt chân ráo về từ nước ngoài. Thầy mang theo luồng gió mới với việc lập trình thiết kế thiết bị. Tui theo thầy làm lập trình ứng dụng từ khi làm đồ án tới luận văn. Tui làm cho thầy từ khi còn học, cho tới khi tốt nghiệp đi làm rồi quay trở về trường, tới lúc đó tui học hóa và làm về môi trường và xử lí dữ liệu. Cái môn quản lí dự án chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, trong đầu nó nhen nhóm ý muốn học thêm về quản lí sản xuất vì có khoa quản lí công nghiệp ở ngay tòa nhà sát bên khoa môi trường của mình. Nghĩ thế thôi, cho tới giờ tui vẫn chưa làm được. Vẫn biết mình thích kĩ thuật và thích tin học. Bây giờ, cái thích rõ ràng hơn rất nhiều vì có học, có thực hành, có sử dụng trong công việc.

Số trời run rủi sao lấy chồng, tui tự nhiên lại thấy quan trọng mà xin phép chồng được tiếp tục làm cái web khi ra nước ngoài. Cuộc sống thay đổi, tui ở nhà 9 năm đẻ con, đóng gói sản phẩm cho chồng đi bán và làm web. Thực chất cái web đã giúp tui động não liên tục trong chừng đó năm. Những người làm tin học mặt ngơ ngơ vì đầu còn nghĩ về một thuật toán chưa xong. Nhờ vậy, tư duy lập trình chưa bao giờ gián đoạn và rồi cơ hội tới. Sau một thời gian phụ việc không công, tui được gọi đi làm. Một công việc không ai cạnh tranh được : quản lí sản xuất bằng phần mềm.

Xách túi đi làm cũng bình thường thôi, bộ não vẫn quen thế rồi. Cái tủ hai cửa 5 ngăn mới mua nhanh chóng đầy kín những tờ theo dõi sản xuất. Nhiệm vụ của tui là tạo ra phần mềm để nạp liệu từ giấy vào và hủy bỏ tất cả giấy tờ trong cái tủ kia. Tui phải xử lí đám dữ liệu đó sao cho ra những thông số sản xuất để giúp quản lí ra quyết định và trả lời khách hàng. Để tạo ra sản phẩm này cần qua mấy công đoạn ? Thời gian sản xuất 1 sản phẩm là bao nhiêu, nếu 50, 100 hay 500 sản phẩm thì bao nhiêu ? Dịch bệnh thế này cần đóng cửa bao nhiêu ngày, giảm bao nhiêu nhân công ? Làm sao để công nhân không cần phải viết ra giấy mà tự nạp vào phần mềm.

Nhìn xuyên suốt những tháng năm đã qua, những ấn tượng từ lúc mình còn bé hiện lên. Tui nhận ra những gì đã trải qua rất có ý nghĩa với hiện tại. Đứa trẻ ngày xưa chỉ cần nhẹ nhàng nương theo sở thích mà thử bước vào và tương lai. Dù học ngành hóa, nhưng tui đã chọn cái ngách rất nhỏ, rất mới, rất đúng với sở thích. Giờ đây tui làm đúng công việc trả lời được tất cả những câu hỏi của mình hồi bé và mong muốn hồi lớn. Tui đang làm đúng cái việc mình thích là ứng dụng tin học trong quản lí sản xuất của một nhà máy cơ khí. Hóa ra tui đang làm công việc trong mơ của mình!

Quan sát là bước đầu tiên để học hỏi. Quan sát chính mình là bước đầu tiên để hiểu mình. Bạn có bao giờ tự hỏi, hồi nhỏ mình đã từng say đắm ngắm nhìn cái gì không ?

Là tui, Minh Hải đã cập nhật ngày 7/7/2021

Hướng dẫn trích dẫn hay phát hành lại bài viết và hình ảnh của An toàn Môi trường

Bài liên quan

Kĩ năng - Chủ đề

Kĩ năng - Bài mới

Mon jeu préféré : Tamashido AvancéTamashido - la voie des billes

An toàn Môi trường

An toàn Môi trường

1,785FansLike
0SubscribersSubscribe