Vân Trang trong “Thương ngày nắng về” của đạo diễn Bùi Tiến Huy và Vũ Trường Khoa sẽ luôn đi tìm mẹ ruột bởi cô vẫn chưa hiểu được mẹ mình vì sao bỏ rơi con, vì sao không một lần tìm kiếm, vì sao mẹ không quay lại ngôi chợ nơi mẹ để con đứng chờ… Nếu người mẹ nuôi hiểu con thì sẽ không trách cứ con hay đau khổ vì con đi tìm mẹ.
Nếu bản thân không có chuyển hóa gì, cứ nén mọi oan ức, đau buồn vào lòng thì không phải là tha thứ. Đó mới chỉ là tránh qua một bên và mọi nỗi niềm nén ngày càng chặt, chờ ngày bùng nổ. Vì vậy, người ta cực kì nhạy cảm với thứ đã từng khiến mình đau mà chưa tha thứ. Vân Vân ở « Thương ngày nắng về » xúc động mạnh khi cơn mưa tới, khi đứa trẻ hỏi vẽ mặt trời màu gì bởi vì dấu ấn sâu sắc rằng cha bị tai nạn là vì chính mình đòi cha đi mua màu ngay lập tức. Vân Vân sẽ mãi không thể tha thứ cho chính mình vì không thể đối mặt với cha đã mất.
Để giải quyết vấn đề phải đối mặt với người gây ra đau khổ cho mình. Nhưng nếu đối diện với hi vọng, mong muốn, chủ trương tác giả gây nỗi đau cho mình phải nhận lỗi, phải hối hận thì đối mặt thất bại. Người chịu đau vẫn là mình. Những thứ làm mình đau lòng nó gây ấn tượng cho mình mà chắc chắn không gây ấn tượng cho người tạo ra nó khi họ không chủ ý (làm mình đau), khi họ không quan tâm đến người khác đủ để nhận ra người ta đang đau. Chị chửi em vô lí trước mặt họ hàng ngay giữa ngày đưa tang người thân nhưng vẫn « tao không nhớ» và « tao không quan tâm ».
Thực ra những cuộc nói chuyện thẳng về cái làm mình đau với tác giả lại chỉ nhằm mục đích giải thoát cho mình khỏi day dứt về nó chứ không có giá trị nhiều với phía bên kia. Tác giả không nhận ra vì cách sống khiến họ bỏ qua những nỗi đau như mình đã nhận. Nhiều trường hợp phía bên kia còn lật lại rằng mình là người sai, họ đúng bởi họ tin vào lí lẽ của họ cực kì mạnh mẽ. Nhưng sau cuộc nói chuyện chính mình là người nguôi ngoai đi được vì mình hiểu người ở phía bên kia hơn. Người con kể lại cho cha mẹ nghe rằng những cơn giận của cha mẹ dồn vào cây roi, vào những lời nhiếc móc làm con đau thế nào có khi không khiến cha mẹ nhận ra đã từng làm như thế. Cha mẹ sau cuộc đối thoại này có thể không thay đổi, nhưng người con thì đã tự bước đến tương lai mà bớt phần vướng bận với quá khứ.
« Chị ở trong nhà bố mẹ cơm không nấu, mâm không sắp, áo không giặt, nhà không dọn, sàn không lau… mà chị lại nghĩ những đứa em chị nó ghen với nhau mà lạnh nhạt với gia đình ? »… Sau câu hỏi của chị, cả một chuỗi những bất công bao nhiêu nhiều năm lần đầu chị được biết. Những bất công không thể xin lỗi vì không ai sửa được quá khứ. Nhưng cuộc đối thoại khiến tương lai, mối quan hệ thân thiện hơn do hai bên hiểu nhau hơn. Đối mặt là để giải tỏa cho bản thân nhiều hơn cho phía bên kia vì mình đang mở lòng ra để bày tỏ nỗi đau và tìm hiểu bên kia. Nhờ đó sau đối thoại, bản thân mình sẽ chuyển hóa (tự diễn biến). Tha thứ là trạng thái mà ta không còn câu hỏi, trách móc, đổ lỗi nào nữa.
Nếu như có những nỗi đau nên thể hiện ra càng sớm càng tốt. Người tạo ra cái đau không có cơ hội từ chối bằng cách nói rằng đã quên, không biết và họ không cần phải xin lỗi vì cái mình thể hiện, nhưng họ buộc phải có nhận thức về cái đau họ gây ra. Vậy là đủ. Tự họ quyết định thay đổi hay không, còn ta sẽ bước tiếp mà bỏ bớt một phần gánh nặng của quá khứ.
Giải pháp đối mặt được trình bày trong “Cha mẹ độc hại – vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn” của Susan Forward và Craig Buck. Nhưng như vậy thì làm sao để Vân Vân buông bỏ được tội lỗi gây ra cái chết của cha vì cha đã mất. Cô không thể đối mặt với người gây ra đau khổ cho mình. Phải có người chứng minh cho cô thấy cái chết của cha không phải do cô. Dù cô không có đòi mua màu ngay lập tức thì người cha vẫn bị rơi vào hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc mà phải ra đi… Chứng minh bằng cách nào đi nữa thì mọi người cũng đều phải chấp nhận cho Vân Vân có một phần trách nhiệm và tạo điều kiện để cô tạ tội với cha. Đó mới là cách giải tỏa cho cô mà không phải xóa sạch rằng cô không có lỗi gì đâu. Để cho người ta sửa lỗi tốt hơn là bảo rằng trắng án.