Đầu dịch, chúng ta hoảng hồn với một con virus nhỏ bé mới xuất hiện, gây chết người. Nhanh chóng sau đó rất nhiều tiền đổ vào các nghiên cứu để hiểu về nó. Kết quả nghiên cứu liên tục làm các nhà khoa học phải thay đổi dự báo. Rồi đến biến thể Delta khiến cả thế giới lao đao khi không thể giảm lây nhiễm. Con người càng chống trả virus càng biến hóa và vượt ngoài khả năng con người.
Rõ ràng chúng ta không thể kiểm soát dịch mà chỉ có thể làm hết sức với những hiểu biết về virus. Chúng ta dùng các phương tiện bảo hộ, giãn cách cả không gian, thời gian và tần suất để giảm tiếp xúc.
Chúng ta đã tự điều chỉnh mình để thích nghi với con virus biến đổi liên tục.
Chúng ta đã chấp nhận con virus, chấp nhận một thứ bệnh mới xuất hiện, chấp nhận một con số tử vong.
Các bác lãnh đạo không chấp nhận sống chung với virus nên bác áp cái cách tư duy không có virus vào với hoàn cảnh của Pháp để phê phán họ bùng dịch lần thứ 4. Thực chất họ đã không báo cáo con số tử vong vì nó đã được coi như một bệnh bình thường như những bệnh khác rồi. Lây bao nhiêu không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa khi biến thể lây lan mạnh Delta chiếm tới hơn 90% các ca nhiễm mới hằng ngày. Họ quan tâm khả năng chữa trị của nền y tế, cụ thể hóa bằng áp lực giường bệnh nặng ở từng vùng. Các chỉ số đều có cập nhật trên ứng dụng Stop Covid.
Chúng ta chỉ chấp nhận khi bản thân có bài học. Thế giới đi đúng con đường như nhau: lây lan, quá tải y tế, phong tỏa, giới nghiêm, tử vong hàng loạt, chủng ngừa, bình thường hóa. Nhờ có kết quả nghiên cứu khoa học của cả thế giới, ý kiến của hội đồng cố vấn khoa học cấp nhà nước cho phép người ta đi nhanh tới kết luận “sống chung với virus” từ giữa năm ngoái. Rất tiếc Việt Nam phải chờ tới khi chính mình trải nghiệm từng bước y như thế trước lợi thế chậm hơn thế giới cả năm rưỡi. Chúng ta duy trì chủ trương mục tiêu kép, cực kì tin tưởng vào truy vết, lại vẫn tiếp tục cách li tập trung, ba tại chỗ, phong tỏa nghiêm ngặt để giảm lây và chủng ngừa người trẻ để làm điều kiện tiên quyết cho lao động. Ở điều kiện nền y tế công yếu về tổ chức đã triền miên quá tải từ khi chưa có dịch mà ôm hết xét nghiệm và chữa trị Covid-19 tất yếu nhanh chóng kiệt quệ. Những giải pháp sau đó đã rất trễ. Do đó, tử vong nhiều là hiển nhiên, nhưng tử vong từ tầng thứ hai là lỗi của y tế cần phải sửa.
Trong khi nghiên cứu khoa học là để tránh lặp lại sai lầm, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thì mình lúng túng, chậm trễ và áp dụng các giải pháp phi khoa học để phải trả giá bằng hàng trăm mạng người mỗi ngày không thể sửa sai. Rất tiếc!
Rất tiếc vì ngay giải pháp xét nghiệm độc quyền, cách li tập trung, truy vết tích cực cho thấy có giới hạn rõ ràng nhưng chúng ta đã không hề chuẩn bị phương án khi giới hạn bị phá vỡ trong khi mô hình rất nhiều nước đã trải qua.
Nghiệm lại thì thấy con người càng chống đối virus thì nó càng tàn phá, con người càng đau khổ. Phía trước, việc phải làm là xây dựng kế hoạch sống chung với virus một cách khoa học.
Tôi cần một lòng tin.
Là tui, Minh Hải đã cập nhật ngày 5/9/2021.