ATMT Sống khỏe An toàn Khi xe quay 360°

Khi xe quay 360°

Trần Minh Hải,

,

Đường ướt và cong, tốc độ tối đa cho phép 40km/h, lượt chạy thử đầu tiên ai cũng phạm sai lầm là thắng xe khi trượt. Càng nhấp thắng thì xe càng không theo ý mình. Đợt chạy thứ hai, tui đã giảm tốc còn chỉ cỡ 20kh/h, hai vòng đầu chỉ có cảm giác trượt nhẹ. Lượt thứ ba, tăng tốc nhanh lúc đầu, giảm tốc khi có nước, tốc độ chỉ nhích thêm một chút, cái xe quay vòng chỉ trong 1 giây, êm ru. Không thể tưởng tượng! Cái xe mất khả năng điều khiển. Tui được biết cảm giác bất lực là thế nào.

Đó là một phần thực hành trong buổi thực tập lái xe trong tình trạng nguy hiểm ở Pháp. Hãng bảo hiểm giảm giá cho người có chứng chỉ của khóa học này. Có nhiều khóa thực tập ngắn hạn nâng cao kĩ năng ngoài chương trình học lái xe chính thức để cấp bằng lái xe như thế này. Học lái xe ở Pháp ngay cả phần lí thuyết cũng là những câu hỏi rất thực tế, chính xác là suy nghĩ khi mình đang lái xe. Câu hỏi là “Tình huống này, tôi đi vào đường này được không?”, “Tôi phải dừng xe ngay lập tức hay tôi chỉ phải dừng trước vạch phía xa kia hay tôi đi tiếp?”… Ngay ở giờ thực hành lái đầu tiên, học trò được vào ngồi vào ghế lái chính và phóng luôn ra ngoài đường đầy và có nhiều xe đang đi sai luật. Nếu xe quay vòng tròn trên đường thực thì chắc hẳn có tai nạn xảy ra. Còn cảnh trên kia diễn ra trên sa bàn lái xe tình huống trơn trượt. Giáo viên khuyến khích thử đi, tăng tốc lên để biết trượt là thế nào mà áp dụng cách xử lí.

Cô giáo của lớp là một cựu cảnh sát đã có kinh nghiệm nhiều năm, biết rõ về các tình huống gây tai nạn chết người trên đường. Câu hỏi đầu tiên là mọi người trông đợi gì ở lớp học này. Chính xác đó là một biện pháp sư phạm, phải biết mục đích muốn tiếp nhận cái gì thì người ta mới mở lòng ra để học. Tui nói là để được biết lái xe ở điều kiện khó hơn hằng ngày. Sau này có lớp nào khác như lái xe trên tuyết,… tui muốn học.

Tại sao xe bị trượt ?

Sau khi đi thử cảm giác trượt, câu hỏi quan trọng thứ hai là tại sao chỉ mới 15 – 20km/h mà xe đã quay mòng mòng? Có 5 yếu tố, nghĩ đi các trò!

(1) Bánh xe sau mất nhám. Tất cả đều hí hửng ngồi lên xe của trường mà không để ý bánh sau trơn nhẵn bóng, hoàn toàn không có tí vách nhám nào. Cô bảo đáng lẽ trước khi ngồi vào xemọi người phải đi một vòng xem cái xe có bình thường không.

(2) Vật liệu làm mặt đường không đủ độ nhám. Trường phủ sẵn lớp nhựa tăng trượt cho mục đích này.

(3) Đường ướt nước mưa. Họ làm vòi phun để cho đường luôn luôn có nước chảy liên tục trên mặt. Mặt đường bị phủ hóa chất trơn trượt. Cách dễ nhất trong trường hợp này là đổ dầu lên lòng đường.

(4) Đường cong. Lực li tâm làm cho xe bị văng ra ngoài. Lực li tâm (F=m.v2/R) tỉ lệ nghịch với bán kích góc cong và tỉ lệ thuận với bình phương của tốc độ. Vì vậy góc rẽ càng nhỏ, tốc độ càng cao, lực li tâm càng cao, xe càng dễ trượt ra khỏi làn. Tốc độ 20km/h chạy ở đường cong tương đương với khoảng 60k/mh khi chạy ở đường thẳng. Bởi vậy luôn có biển báo góc cong trên đường và giảm tốc ở những chỗ góc cong nhỏ.

(5) Tốc độ. Tốc độ càng cao càng giảm độ bám dính của bánh xe với mặt đường.

Chuyện gì xảy ra khi trượt?

  • Bánh sau bị trượt và không có gì điều khiển được bánh sau;
  • Càng thắng, càng tác động tới bánh trước mà bánh sau vẫn quay mà không bám đường khiến xe trượt khỏi làn đang đi. Việc này nguy hiểm khi có xe khác trên đường.
  • Tăng tốc như trong cuộc đua Formul 1 thì xe quay gần như ngang đồng thời tiến về phía trước nên chiếm chỗ nếu có xe khác phía sau thì rất nguy hiểm.
  • Càng nhìn về phía vạch làn bên cạnh, chiều ngược lại thì càng khiến xe ra khỏi làn của mình.

Thiết kế thực tập chỉ có một xe chạy trong đường nguy hiểm, nên không có tai nạn.

Giải pháp thật là đơn giản !

Như vậy việc phải làm là giảm tốc nhanh nhất có thể mà ít đẩy xe ra khỏi làn đường của mình.

  • Nhấc chân khỏi bàn đạp tăng tốc để giảm tốc độ, và KHÔNG đạp thắng.
  • Nhấn Li hợp ::: Embrayage để tách động cơ khỏi bộ số. Như vậy xe không còn nối với động cơ, và giảm tốc mà không cần thắng xe. Xe tự động không có thao tác này.
  • Nhìn về phía làn xe và chiều của mình sẽ đi, tay tự động kéo bánh lái tối đa về phía hướng nhìn. Xe sẽ lượn sóng, nhưng ít ra khỏi làn của mình nhất.

Bí quyết

Cô chạy cứng tay, tốc độ tới 30-35km/h mới trượt và xử lí rất êm. Mình mới hơn 20 đã quay hẳn 360°. Một bí quyết cô truyền lại cho mọi người là khi kiểm tra kĩ thuật hằng năm, nên sử dụng bánh sau là bánh mới, đổi bánh cũ ở phía trước. Tất cả các cải tiến về động cơ, khung xe, túi khí, bộ chống khóa dính thắng,… đều tác dụng ở phía trước xe và ở bánh trước. Không có cách nào điều khiển được bánh sau khi nó bị trượt ngoại trừ chính bánh sau là loại tốt nhất. Đó cũng là cách kiểm tra kĩ thuật viên có làm vì tiền hay vì an toàn của khách hàng.

Bài học về chấp nhận

Tình huống xấu xảy ra hãy chấp nhận nó để tìm cách thoát ra mà không buông xuôi. Xe bị trượt, quay cả vòng. Chấp nhận nó nghĩa là đồng ý rằng xe mình sự thật mất lái mà không phản kháng quá trình đó đang diễn ra, tức là đừng nhấn thắng. Nhưng vẫn không buông xuôi mà phải nhìn về phía trước để quay tay lái về đúng đường, đúng chiều. Để biết làm sao cho đúng thì phảt tìm hiểu kĩ như nội dung lớp học này có cả lí thuyết có cả thực hành và thuyết phục.

Tài liệu tham khảo

  1. Stage auto et nouvelles mobilités https://www.youtube.com/watch?v=JUOm39K1zBo
  2. Stage de sensibilisation à la securité routière pour auto et moto. https://www.groupama.fr/assurance-auto/stage-conduite-centaure/

Hướng dẫn trích dẫn và phát hành lại bài viết và hình ảnh của An toàn Môi trường

Bài liên quan

Bài trướcTiếng rao

Sống khỏe - Chủ đề

Sống khỏe - Bài mới



An toàn Môi trường

An toàn Môi trường

1,785FansLike
0SubscribersSubscribe
Tamashido - la voie des billesTamashido - la voie des billes